Thông báo

NGÀNH HỌC MỚI NHIỀU TIỀM NĂNG TRONG CƠ HỘI VIỆC LÀM
29/04/2022

Sau 02 khóa Thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu, từ năm học 2022-2023 Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu triển khai Cử nhân chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu, bên cạnh 02 chuyên ngành đã có sẵn là Vật lý trị liệu và Hoạt động trị liệu. Thí sinh đăng ký vào ngành Kỹ thuật Phục hồi chức năng sẽ được định hướng chọn chuyên ngành cho phù hợp với khả năng và nguyện vọng.

Được các nước Âu - Mỹ quan tâm phát triển từ những năm 1920, Ngôn ngữ trị liệu (hay Âm ngữ trị liệu) là lãnh vực quan trọng của y khoa, và cùng với Vật lý trị liệu và Hoạt động trị liệu là những phần then chốt của ngành Phục hồi chức năng. Chuyên viên Ngôn ngữ trị liệu sẽ làm việc với những người bị rối loạn về lời nói, như nói lắp, hoặc do hậu quả của các bệnh về thần kinh, ung thư…; rối loạn về giọng nói, do liệt dây thanh, do căng cơ…; rối loạn giao tiếp - nhận thức, như rối loạn về sự tập trung, trí nhớ do chấn thương sọ não hoặc do sa sút trí tuệ; rối loạn giao tiếp xã hội, như ở người bị hội chứng tự kỷ; rối loạn thính lực, chẳng hạn trường hợp người khiếm thính bẩm sinh sau khi cấy ốc tai điện tử, sau đó phải được tập dần để nhận biết âm thanh nào thích hợp, rồi mới tập nói; rối loạn ngôn ngữ (như nghe, nói, đọc, viết); rối loạn nuốt…

Để dễ hình dung hơn, một bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ do đột quỵ có thể vẫn tiếp nhận thông tin tốt qua nghe và đọc nhưng không làm cách nào truyền đạt lại suy nghĩ của mình được do các “kênh” diễn tả đã bị “tắc nghẽn”. Trong trường hợp đó, chuyên viên điều trị không chỉ giúp bệnh nhân phục hồi khả năng diễn đạt ngôn ngữ mà còn hướng dẫn người nhà các phương pháp nắm bắt được thông tin một cách hiệu quả nhất trong khi giao tiếp với người bệnh.

Tố chất cần có đầu tiên của một chuyên viên Ngôn ngữ trị liệu là biết quan tâm, thông cảm với người khác, đây là điều kiện quan trọng của những ai muốn hành nghề y, vì có như thế mới tận tâm với bệnh nhân. Và riêng với ngành Phục hồi chức năng thì cần thêm tính kiên nhẫn. Để nói trọn vẹn một từ, có những bệnh nhân phải mất nhiều buổi tập, mỗi buổi dài hàng giờ, nếu người điều trị không nhẫn nại thì sẽ dễ thất bại và không làm việc được. Ngoài ra, không những chuyên viên ngôn ngữ trị liệu cần kiên nhẫn mà còn phải giúp cho cả bệnh nhân lẫn người nhà có được sự kiên nhẫn. Nếu bệnh nhân và người nhà không hiểu được vấn đề, tỏ ra nôn nóng thì có nguy cơ bỏ cuộc giữa chừng. Về học lực, đây là một lãnh vực thuộc y khoa nên các bạn thí sinh phải học tốt các môn tự nhiên, nhất là môn Sinh. Bên cạnh đó, những ai yêu thích và có độ nhạy về ngôn ngữ sẽ bắt nhịp tốt và là một lợi thế.

Liên quan đến cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, do đặc thù là một ngành mới, chưa được đào tạo nhiều ở Việt Nam nên hầu hết các bệnh viện, đặc biệt là những bệnh viện lớn, đều rất quan tâm và nhu cầu tuyển dụng rất cao. Do vậy, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này hứa hẹn sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm cũng như phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

https://thanhnien.vn/ngon-ngu-tri-lieu-them-lua-chon-cho-hoc-sinh-thich-nganh-y-post1445205.html